Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, Nghị định 126/2020/NĐ-CP chỉ liên quan đến hướng dẫn về khai thuế, nộp thuế chứ không thay đổi về thuế suất cũng như không có việc tăng thuế, tăng chiết khấu với người nộp thuế. Vì thế, nhiều ý kiến băn khoăn về việc có hay không Grab đang “mượn gió bẻ măng”, coi thay đổi về cách khai thuế, nộp thuế theo Nghị định này là một cái cớ để hợp thức hóa việc tăng giá, giải bài toán lợi nhuận sau thời gian dài mở rộng quy mô.
Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của tài xế
Giải thích rõ hơn về các quy định tại Nghị định 126, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, Nghị định này chỉ quy định việc khai thuế và quản lý thuế, chứ không điều chỉnh thuế suất cũng như quy định chính sách thuế, do đó không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế. Cụ thể, cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Be (đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh) có thay đổi. DN có trách nhiệm khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10%.
Nghị định này cũng quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT. Chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Với hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế GTGT, và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức; tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật thuế, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân. Các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grab, Goviet, Be… sẽ phải tiến hành khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% và khai thay, nộp thay thuế TNCN (1,5%) cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.
Cách tính thuế mới này nhằm thu thuế GTGT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh, lái xe chỉ có trách nhiệm nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm và sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay, mà trách nhiệm nộp thuế GTGT thuộc về DN.
“Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vẫn tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay)”- đại diện Tổng cục Thuế cho hay.
Grab đang chịu áp lực?
Sau khi phát đi thông tin khẳng định việc Grab cho rằng tăng mức khấu trừ mỗi chuyến xe với tài xế là do Nghị định 126/2020/NĐ-CP là không có cơ sở, chiều 9/12, Tổng cục Thuế cũng đã có buổi làm việc với đại diện Grab về vấn đề này. “Chúng tôi đã nói rõ, Nghị định 126 chỉ quy định cụ thể việc khai thuế, chứ không có chuyện thay đổi về thuế suất, cũng như tăng tỷ lệ chiết khấu của tài xế”- bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết. Bà Lan cũng nói thêm: “Trước đây, do chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, nên việc áp dụng thuế của Grab không thống nhất, chưa tính đúng, tính đủ thuế GTGT như các mô hình taxi truyền thống khác. Do đó, Nghị định 126 vừa được Chính phủ ban hành đã quy định cụ thể hơn vấn đề này. Nghị định đã quy định cá nhân chỉ phải chịu trách nhiệm về thuế TNCN và không phải chịu thuế GTGT”.
Theo Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco, Nghị định 126 đã đã bổ sung cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất kinh tế phát sinh cũng như thông lệ quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Grab trước đây được coi như một DN công nghệ và quản lý thuế như một DN công nghệ thì với Luật thuế mới này, cơ quan thuế đã bổ sung cơ sở pháp lý với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ. Nghị định 126 thay đổi về đối tượng khai thuế và chịu thuế nhưng không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế, không làm tăng giá cước vận tải.
Ông Phong cho biết, việc Grab tăng tỷ lệ khấu trừ với tài xế và tăng giá các cuốc xe có thể có nguyên nhân “tát nước theo mưa”. “Thực tế hiện nay, các mô hình starup kỳ lân như Grab… chịu áp lực thay đổi để có lợi nhuận thật từ hoạt động kinh doanh, chứ không dựa hoàn toàn vào vốn của nhà đầu tư. Có thể, sau thời gian mở rộng quy mô, áp lực về hiệu quả kinh doanh từ các cổ đông, các nhà đầu tư đã khiến các starup này phải tính toán lại, cắt giảm chi phí và gia tăng doanh thu”- ông Phong nhận định
Theo mô hình kinh doanh của Grab, khi khách hàng sử dụng dịch vụ thì chỉ liên hệ trực tiếp với Grab và không thể biết được tài xế là ai. Grab là đơn vị quyết định giá cước vận tải, quyết định toàn bộ giao dịch với khách hàng, các chính sách đối với khách hàng đi xe, cũng như với tài xế. Chính vì vậy, Grab phải là chủ thể đứng ra kê khai, nộp thuế cũng như giao dịch pháp lý với cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Theo Nghị định 126, Grab là đối tượng phải kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ giá trị cước vận tải (cuốc xe). Theo quy định của pháp luật về thuế GTGT thì hoạt động kinh doanh vận tải phải chịu 10% thuế GTGT. Quy định này đã có từ trước chứ không phải khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, cũng như Nghị định 126 ban hành mới điều chỉnh hoạt động này. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Tạ Thị Phương Lan |
Theo: kinhtedothi.vn